Chuyện làm nghề Kiến Trúc Sư Diễn hoạ

VGD_Nha hang Nhat Ban Nuboko Izakaya

Chia sẻ từ Kiến trúc sư Nguyễn Hùng Việt, trưởng nhóm diễn hoạ (3D) của VG Design – “kỹ thuật, nghệ thuật và hiểu biết xã hội là 3 yếu tố không thể thiếu của một kiến trúc sư 3D”

Profile:

– Trưởng nhóm 3D tại VG Design JSC

– Từng là trưởng nhóm 3D tại công ty NKB (Pháp) 

– Từng là trưởng nhóm 3D tại công ty Franken Nguyen (Đức – Việt Nam)

– Từng là trưởng nhóm 3D SIC tại công ty Elenberg and Fraser (Úc – Việt Nam)

Sản phẩm đạt giải nhất cuộc thi thiết kế siêu thị REWE Kolloquium tại Đức – Sản phẩm 3D bởi KTS Nguyễn Hùng Việt 

Diễn hoạ kiến trúc (3D) là một công đoạn không thể tách rời trong quá trình thiết kế và xây dựng nên một dự án. Theo kiến trúc sư Nguyễn Hùng Việt, người làm diễn hoạ kiến trúc cần có 3 yếu tố chính sau đây: kỹ thuật, nghệ thuật và hiểu biết xã hội.

Kỹ thuật

Toàn bộ công nghệ 3D mà nhân loại xây dựng bấy lâu nay dựa trên nền tảng dữ liệu khoa học vô cùng đồ sộ. Làm 3D thì không thể thiếu các phần mềm chuyên dụng, vì vậy, việc hiểu được và áp dụng tính năng của các phần mềm đó ảnh hưởng rất lớn đến trình độ của một kiến trúc sư diễn hoạ (3D).

 “Nếu mà nói người diễn hoạ (3D) là một chiến sĩ thì phần mềm chính là cây súng”

Tất nhiên, kiến trúc sư diễn hoạ (3D) phải nắm được những vấn đề cơ bản của kỹ thuật trong kiến trúc, như các kích thước nhân trắc học, các thông số về ánh sáng, diện tích khối tích thì mới có thể làm việc chủ động và phối hợp tốt với đồng nghiệp ở bộ môn khác.

Seine River Coffee (Paris, France) – Sản phẩm 3D dựng bởi KTS Nguyễn Hùng Việt

Nghệ thuật

Ngoài mục đích chính là thể hiện đồ án kiến trúc, công việc diễn hoạ kiến trúc còn có thể có đời sống nghệ thuật riêng. Giống như một bài hát được sáng tác cho một bộ phim vẫn có thể có cuộc sống ngoài bộ phim ấy, ví dụ như bài hát bất hủ “My heart will go on” trong bộ phim đình đám “Titanic”.

Về mặt kỹ thuật, kiến trúc sư diễn hoạ (3D) thông thường có thể tiếp cận và học hỏi khá nhanh, thì về mặt nghệ thuật con đường đi lại có vẻ phức tạp hơn, đòi hỏi nhiều nỗ lực tiếp xúc với các công trình đẹp, bức ảnh đẹp… Thậm chí năng lực nghệ thuật của mỗi người lại khác nhau bởi mỗi người có một triết lý, quan điểm, và điều kiện sống khác nhau. Không có nghệ thuật nào mà không có triết lý sau nó, và triết lý chính là điều tạo nên bản sắc riêng của mỗi kiến trúc sư diễn hoạ (3D). Nếu cho điểm tuyệt đối một tác phẩm 3D thể hiện công trình kiến trúc là 100% thì hầu hết mọi người đều có thể đạt được mức 70 – 75% thông qua nỗ lực nghiên cứu kỹ thuật. Nhưng để đạt từ 75%- 90% hoặc hơn thì lại phụ thuộc vào rất nhiều nỗ lực nghiên cứu nghệ thuật của người kiến trúc sư diễn hoạ.

Dự án Nhà hàng Nuboko – Sản phẩm 3D dựng bởi Kts Nguyễn Hùng Việt

Kiến trúc sư Nguyễn Hùng Việt chia sẻ “Thể hiện kiến trúc bằng công nghệ 3D, nếu làm tốt, là một quá trình đòi hỏi rất nhiều sự chủ động chứ không chỉ là thể hiện những gì mà bộ phận thiết kế đã làm. Quá trình tạo ra một bức ảnh 3D có lẽ cũng giống với nghệ thuật nhiếp ảnh và mỹ thuật, nơi người sáng tác chủ động lựa chọn thứ cần thể hiện và thứ cần bỏ để làm sao truyền tải được thông điệp mà thiết kế muốn mang tới.”

Hiểu biết xã hội

Có hai phạm vi cần lưu ý tới trong mục này. Thứ nhất, hiểu biết xã hội trong phạm vị hẹp là hiểu biết về đồng nghiệp – những người làm cùng dự án, gồm kĩ sư concept, kĩ sư diễn hoạ (3D). Hiểu được cách họ tư duy, mong muốn, điểm mạnh và hạn chế của họ là rất quan trọng để phối hợp làm việc thành công. Bởi thiết kế kiến trúc là cả một quá trình hoạt động nhóm mà trong đó mỗi công đoạn và cá nhân đóng vai trò thiết yếu tới thành công của sản phẩm cuối cùng.

Trong phạm vị rộng hơn, một kiến trúc sư diễn hoạ (3D) còn cần phải biết bối cảnh mà công trình kiến trúc mình thể hiện. Bối cảnh đó bao gồm vị trí đặc thù của khu đất, tính chất của công trình cũng như nền tảng văn hóa xung quanh công trình ấy.

Dự án Boutique Hotel Đà Nẵng – Sản phẩm 3D dựng bởi Kts Nguyễn Hùng Việt

Tổng kết

Ba nền tảng trên không đứng riêng biệt mà có mỗi quan hệ qua lại với nhau, bổ sung cho nhau một cách vô cùng chặt chẽ. Do đó, kiến trúc sư diễn hoạ (3D) ngoài việc thể hiện tốt các chi tiết thì cần dành cho mình những khoảng thời gian để lùi lại và nhìn lại toàn bộ quá trình sáng tạo của mình một cách tổng thể và có hệ thống để hoàn thiện kĩ năng toàn diện của một kiến trúc sư diễn hoạ (3D).

Leave a Reply